Bé 2 tuổi bị sổ mũi: Nguyên nhân do đâu? Chăm sóc thế nào?

Sổ mũi là dấu hiệu cho thấy bé đang gặp các vấn đề về sức khỏe. Đôi khi đó không phải là điều đáng lo ngại. Nhưng trong một vài trường hợp, sổ mũi là triệu chứng của một vấn đề nghiêm trọng, cần được quan tâm. Trong bài viết này, Betapnoi sẽ cùng bạn tìm hiểu nguyên nhân khiến bé 2 tuổi bị sổ mũi. Những điều cha mẹ cần làm và cần lưu ý khi con gặp tình trạng này.

Bé 2 tuổi bị sổ mũi

Nguyên nhân bé 2 tuổi bị sổ mũi

Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ 2 tuổi bị sổ mũi:

  • Dị ứng: Trẻ 2 tuổi có thể bị sổ mũi do dị ứng; tình trạng này được gọi là viêm mũi dị ứng. Viêm mũi dị ứng là do hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với một thứ gì đó trong môi trường (phấn hoa, nấm mốc, mạt bụi, lông thú cưng,…)
  • Cảm lạnh: Sổ mũi là một triệu chứng thường gặp của cảm lạnh thông thường. Trong trường hợp này, sổ mũi có thể gây khó chịu nhưng nó có tác dụng đẩy virus ra khỏi cơ thể
  • Cảm cúm: Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus như cúm cũng có thể gây sổ mũi, đặc biệt là ở trẻ nhỏ
  • Viêm mũi không do dị ứng: Thay vì nhiễm trùng hoặc dị ứng, viêm mũi không do dị ứng khởi phát do một điều gì đó khó chịu hoặc kích thích mũi. Một số tác nhân gây viêm mũi không do dị ứng bao gồm: đèn sáng (kích thích các dây thần kinh trong mắt kích thích các dây thần kinh trong mũi), sự thay đổi áp suất khí quyển, không khí khô mát, khói thuốc lá, nước hoa, thức ăn cay,…
  • Viêm xoang: Xoang là tập hợp các không gian rỗng nằm xung quanh mắt, mũi và trán. Nếu trẻ bị cảm lạnh hoặc dị ứng, các xoang có thể bị viêm, tiết ra nhiều dịch hơn bình thường. Nếu dịch nhầy đó không thể thoát ra ngoài, các xoang có thể bị tắc nghẽn
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ 2 tuổi bị sổ mũi
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ 2 tuổi bị sổ mũi

Bé 2 tuổi bị sổ mũi, cha mẹ cần làm gì?

Khi thấy con bị sổ mũi, việc đầu tiên cha mẹ cần làm là quan sát màu sắc nước mũi của con để biết việc cần làm tiếp theo.

  • Khi nước mũi màu trắng trong: dịch mũi dạng này là cách cơ thể ngăn ngừa và loại bỏ vi khuẩn, virus, bụi bẩn,… để ngăn chúng vào phổi. Nhìn chung lúc này, trẻ vẫn đang khỏe mạnh, cha mẹ không cần quá lo lắng
  • Khi nước mũi màu trắng đục: biểu hiện của nghẹt mũi do mất nước, dị ứng hoặc cảm lạnh. Lúc này, mẹ nên cho con uống nhiều nước và rửa mũi bằng nước muối sinh lý
  • Khi nước mũi màu vàng: dấu hiệu của cảm lạnh hoặc viêm mũi giai đoạn nặng hơn. Cha mẹ nên đưa con đi gặp bác sĩ để có phương án điều trị phù hợp
  • Khi nước mũi màu hồng/đỏ/nâu: dấu hiệu cho thấy niêm mạc mũi bị xây xước, chảy máu. Nếu máu không ngừng chảy sau 30 phút, cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện ngay lập tức. Nếu máu khô khiến nước mũi có màu nâu, cha mẹ nên vệ sinh mũi cho con bằng bông sâu thấm nước muối sinh lý để loại bỏ máu khô, làm ẩm và cân bằng sinh lý niêm mạc mũi
  • Khi nước mũi màu xanh: biểu hiện của hệ miễn dịch đang hoạt động mạnh mẽ để chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng. Nếu nước mũi có màu xanh lá trong hơn 12 ngày kèm triệu chứng sốt, buồn nôn, nôn, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ
  • Khi nước mũi màu đen: biểu hiện có nấm trong khoang mũi. Đây là triệu chứng hiếm gặp ở trẻ. Vì vậy nếu thấy bé sổ mũi với nước mũi màu đen, cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế để được thăm khám
Xem ngay:  Có nên đổi sữa công thức cho bé không?

Hướng dẫn rửa mũi cho bé 2 tuổi bị sổ mũi bằng nước muối sinh lý

Nếu con mới bị sổ mũi, cha mẹ có thể tự rửa mũi cho con bằng dung dịch nước muối sinh lý ngay tại nhà. Nồng độ muối trong nước muối sinh lý là 0,9% tương tự như nồng độ muối trong nước mắt, máu và các chất dịch cơ thể khác.

Việc rửa mũi cho con bằng nước muối sinh lý có tác dụng làm sạch khoang mũi, làm giảm triệu chứng dị ứng, nhiễm trùng xoang hoặc cảm lạnh; đồng thời giúp cân bằng sinh lý niêm mạc mũi.

Cách nhỏ nước muối sinh lý để rửa mũi cho trẻ như sau:

  • Ngâm lọ nước muối vào nước ấm
  • Rửa tay với xà phòng và nước
  • Đặt trẻ nằm ngửa, đầu hơi ngửa ra sau
  • Nhỏ nước muối sinh lý đã được làm ấm vào từng bên mũi. Mỗi bên khoảng 4 – 5 giọt
  • Để trẻ tiếp tục nằm trong tư thế ngửa đầu trong khoảng 1 phút – điều này giúp dung dịch nước muối có đủ thời gian để làm loãng chất nhầy
  • Làm sạch hốc mũi: nếu trẻ đã biết xì mũi thì cha mẹ hãy để con ngồi dậy và xì mũi ra khăn sạch. Nếu con chưa biết xì mũi thì mẹ dùng bóng hút nước mũi ra. Cách sử dụng bóng hút rất đơn giản. Mẹ chỉ cần bóp xẹp bóng hút, đưa đầu hút vào trong cửa mũi, dùng tay còn lại bịt lỗ mũi bên kia rồi tay cầm bóng đột ngột buông để bóng phình ra. Khi đó, đờm nhớt sẽ được hút vào bóng hút
  • Nếu sử dụng bóng hút thì sau khi sử dụng mẹ cần vệ sinh dụng cụ thật sạch

Mẹ nên nhỏ mũi và hút mũi cho con 4 lần/ngày hoặc hơn cho tới khi bé không còn dấu hiệu sổ mũi.

Cách dùng bóng hút mũi
Cách dùng bóng hút mũi

3 cách hút mũi cho trẻ sơ sinh đơn giản hiệu quả tại nhà

Tips chăm sóc trẻ 2 tuổi bị sổ mũi

Bên cạnh việc rửa mũi cho con bằng nước muối sinh lý, cha mẹ cũng nên áp dụng những tips dưới đây để giúp con yêu cảm thấy thoải mái hơn.

  • Để trẻ ngủ với gối đầu. Điều này giúp đường thở của trẻ thông thoáng hơn.
  • Cho trẻ uống nhiều nước. Nước giúp làm loãng chất nhầy, giúp trẻ xì mũi dễ hơn.
  • Sử dụng máy phun sương khi không khí khô. Điều này giúp làm ẩm niêm mạc mũi, giúp trẻ cảm thấy dễ chịu. Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý vệ sinh kỹ máy phun sương, vì đây là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, virus,… phát triển.
  • Tắm cho con bằng nước ấm. Hơi nước ấm cũng có tác dụng làm ẩm niêm mạc mũi, làm loãng chất nhầy trong mũi.
Xem ngay:  Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi: Nguyên nhân và cách điều trị

Khi nào bé 2 tuổi bị sổ mũi cần đến bệnh viện?

Bạn cần đưa con đến các cơ sở y tế để được thăm khám khi con có bất kỳ biểu hiện nào sau đây:

  • Sổ mũi, ngạt mũi kèm theo sưng trán/ mắt/ mũi/ má hoặc kèm theo mờ mắt.
  • Đau họng nghiêm trọng hơn.
  • Có các chấm trắng, vàng trên amidan hoặc các bộ phận khác của cổ họng.
  • Nước mũi có mùi hôi, chỉ chảy một bên hoặc có màu hồng, đỏ, nâu, xanh, đen.
  • Sổ mũi kèm ho kéo dài hơn 10 ngày.
  • Sổ mũi kéo dài hơn 3 tuần.
  • Sổ mũi kèm theo sốt.
Nếu con bị sổ mũi dài ngày không đỡ, cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế để được thăm khám
Nếu con bị sổ mũi dài ngày không đỡ, cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế để được thăm khám

Những điều cần lưu ý khi chữa sổ mũi cho trẻ

Khi điều trị sổ mũi ở trẻ 2 tuổi, cha mẹ cần lưu ý:

  • Không nhỏ nước tỏi ép vào mũi bé vì tỏi có tính nóng, cay có thể gây nóng rát, phù nề, làm bỏng niêm mạc mũi trẻ.
  • Không nên rửa mũi quá nhiều vì điều đó có thể làm mất lượng chất nhầy tự nhiên có tác dụng tạo độ ẩm, ngăn chặn bụi bẩn, khiến trẻ bị khô mũi, tổn thương niêm mạc.
  • Không dùng miệng hút mũi cho trẻ vì điều này có thể làm lây mầm bệnh từ miệng của cha mẹ sang cho trẻ.
  • Khi sử dụng bóng hút để hút dịch mũi cần thực hiện nhẹ nhàng, không nên chọc sâu ống hút vào mũi trẻ vì nó có thể gây phù nề niêm mạc.
  • Không tự ý sử dụng thuốc nhỏ mũi có chứa Corticoid, thuốc kháng sinh,…

Phương pháp phòng ngừa sổ mũi ở trẻ 2 tuổi

  • Giữ ấm cho trẻ trong ngày lạnh hoặc ngày thời tiết thay đổi; đặc biệt là vùng đầu, cổ, ngực, bàn tay, bàn chân.
  • Giữ nhà cửa, đồ dùng của trẻ sạch sẽ; thường xuyên quét dọn, hút bụi để làm sạch bụi bẩn.
  • Thường xuyên thay, giặt chăn, ga, gối đệm của con.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học giúp nâng cao sức khỏe tổng thể của con.

Có nhiều nguyên nhân khiến bé 2 tuổi bị sổ mũi. Điều quan trọng là cha mẹ cần theo dõi tình trạng sức khỏe của con để phát hiện sớm các biểu hiện bất thường và đưa con đến các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời. Ngoài ra, việc giữ ấm cơ thể, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, xây dựng chế độ ăn uống khoa học,… cũng rất cần thiết, giúp phòng ngừa sổ mũi và nâng cao hệ thống miễn dịch của con.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Previous post Tên ở nhà cho bé trai độc lạ dễ thương bố mẹ nên tham khảo
chưa ngạt mũi cho trẻ sơ sinh Next post Chữa ngạt mũi cho trẻ sơ sinh bằng dầu tràm